Từ bé đến hết năm lớp 12, năm nào đi học cô giáo cũng liệt kê khỏan tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn vào danh mục số tiền học sinh phải đóng cho chúng tôi ghi lại để về nhà cho ba mẹ biết. Suốt 12 năm ấy, năm nào tôi cũng có cả 2 lọai bảo hiểm. Có lúc tôi hỏi mẹ: "Có bao giờ mình xài đâu mà mua hả mẹ?" Đúng, suốt 12 năm học tôi đã 5 lần nằm bệnh viện vì những bệnh nặng nhưng chưa một lần tôi dùng đến bảo hiểm y tế. Ban đầu tôi không hiểu sao mẹ tôi vẫn mua. Hồi cấp 2, lúc tôi bắt đầu biết ý thức, tôi bắt đầu tiếc rẻ số tiền (mà tôi cho là vô lí) và cãi nhau với mẹ. Tôi không muốn đóng tiền. Vì cô giáo bảo đó là tự nguyện nên tôi có quyền không mua. Nhưng sau đó thì tôi đã hiểu tại sao mẹ tôi lại luôn sẵn sàng "cúng" một khỏan tiền như thế cho tôi mỗi năm. Đầu năm ấy, sau khi đã thu hết các khỏan phí, trường có một buổi họp phụ huynh học sinh giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh ở các lớp. Tôi là cán sự lớp nên đi quét dọn lớp giữa giờ. Và hôm đó, tôi đã được nghe cô giáo chủ nhiệm nhắc tên mẹ tôi : người không đóng bảo hiểm y tế cho con. Cô giáo hỏi: "lỡ con chị bị tai nạn thì chỉ thiệt cho gia đình chị thôi."
Tôi cay đắng lắm.
Nếu tôi bị tai nạn thì dĩ nhiên là gia đình tôi thiệt, bản thân tôi thiệt, nhà tôi tốn tiền của, cha mẹ tôi đau xót. Nhưng nếu tôi có bị tai nạn thì cái khỏan tiền đóng bảo y tế kia cũng chẳng làm cha mẹ tôi bớt đau xót hơn, bớt lo lắng hơn hay tôi bớt đau hơn.
Mẹ tôi ra về đã đóng khỏan tiền đó: 90.000đ cho cả 2 lọai bảo hiểm. Tôi cũng biết mạng của tôi sẽ có giá 30 triệu đồng nếu tôi bị tai nạn chết luôn tại chỗ.
Thực ra, tôi luôn biết chức năng của cái bảo hiểm y tế là hỗ trợ người bệnh một phần chi phí khi bị đau ốm. Mẹ tôi cũng biết nhưng bà không bao giờ xài đến nó vì mẹ bảo: "Nhục lắm. Ăn được đồng của chúng nó thì chết con rồi!"
Phải, tôi đã quá quen với những cái liếc ngang của cô bán hồ sơ bệnh viện, tiếng hét : "bảo hiểm y tế khám bên kia" của bác sĩ, thậm chí tôi còn biết cái bà già có đứa cháu bị bệnh y như tôi đã bị bỏ lơ ở giường kế bên vì bà "dám" xài bảo hiểm y tế. Còn tôi, tất nhiên tôi chưa chết dù tôi đã bị tai nạn giao thông mấy lần, nhưng ấy là nhờ mẹ cha tôi chăm nom, mẹ cha tôi trả tiền thuốc men. Chả có thằng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn nào cứu tôi thóat chết cả.
Hồi hết lớp 12, tôi lại vào bệnh viện vì tai nạn giao thông. Lần này, ba tôi vì quá vội lên chăm tôi đã không mang theo tiền, ba liền rút tờ bảo hiểm tai nạn của tôi mua hồi còn đi học ra cho y tá, hết hạn vào tháng 9 năm 2005, lúc tôi bị tai nạn là tháng 8. Kết quả là tôi cứ nằm đấy với cái đầu đau vì bị táng xuống đường, ba tôi gọi điện thọai về nhà bảo mẹ cầm tiền lên. Nộp 500 nghìn vào là tôi được khám chữa ngay.
Đó là tôi, gia đình tôi không giàu nhưng đủ tiền để xoay trong lúc khốn khó. Còn người nghèo, như người đàn bà có cháu nằm cạnh giường tôi dạo nọ, bà sẽ làm thế nào với cháu của bà khi người ta khám bằng bảo hiểm y tế theo phương pháp "miễn phí" cho cháu của bà thì sao?
Tôi lại chợt nghĩ, thế cứ mỗi năm tôi đóng khỏang 60.000-90.000đ tiền bảo hiểm như thế và chả bao giờ sử dụng đến cái bảo hiểm y tế - cũng như hàng vạn gia đình không thích bị phiền hà vì cái bảo hiểm- thì số tiền ấy đi về đâu mà bên bảo hiểm cứ than khó khăn và bên bệnh viện cứ than không được chi trả đủ?
Tôi bỗng nhớ đến lời luật gia Phan Đăng Thanh, thầy dạy môn Pháp Luật Báo Chí và Xuất Bản của tôi nói: hồi đó nhà nước ta cái gì cũng miễn phí hết: y tế miễn phí, giáo dục miễn phí... nhưng có cái gì để mà miễn phí đâu?
Ờ thì đó là thời đó, còn bây giờ, người ta có cũng chả có thứ gì gọi là hỗ trợ hay miễn phí hết!
Và sau nhiều lần lang thang trong bệnh viện lúc phải nằm viện tôi đã chợt nhận ra một chân lí của y tế nước nhà: DÙ CÓ CẤP CỨU THÌ CÓ TIỀN MỚI CỨU ĐƯỢC, KHÔNG THÌ CỨ NẰM ĐẤY ĐÃ!
mkid ne`